Những chỉ tiêu phân tích bảng cân đối kế toán dành cho nhân viên kế toán
Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính quan trọng, không thể thiếu trong kế toán cũng như doanh nghiệp. Không chỉ phản ánh tình hình tài sản nguồn vốn của doanh nghiệp tại một điểm nhất định, bảng cân đối kế toán còn thể hiện một cách tổng quát nhất về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Vậy để đọc được bảng cân đối kế toán thì chúng ta cần lưu ý những chỉ tiêu phân tích nào?
I. Chỉ tiêu phân tích bảng cân đối kế toán thường gặp nhất
1. Hệ số nợ
Hệ số nợ cho biết mức độ an toàn tài chính của doanh nghiệp đang ở mức cao hay thấp, có đủ khả năng trả nợ khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản hay không. Từ đó giúp các nhà đầu tư ra quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp này hay không.
- Công thức tính:
Hệ số nợ = Tổng nợ / Tổng tài sản
Ý nghĩa:
- Hệ số nợ giúp doanh nghiệp biết được tổng tài sản của công ty được tài trợ bằng các khoản nợ. Nếu hệ số nợ thấp có nghĩa là việc sử dụng nợ kém hiệu quả, còn hệ số nợ cao nghĩa là gánh nặng về nợ lớn, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ này. Thông thường, hệ số nợ nằm ở mức 60% là khá ổn định, an toàn cho doanh nghiệp.
- Ngoài ra, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng thường được sử dụng để đánh giá mức độ rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Nếu hệ số này cao thì có nghĩa là khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp thấp, rủi ro tài chính cao và ngược lại.
2. Hệ số khả năng thanh toán
Đây lầ các hệ số thanh khoản của doanh nghiệp, có chức năng phản ánh năng lực tài chính của doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu thanh toán các khoản nợ hay không.
Có 3 loại hệ số, bao gồm: khả năng thanh toán ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán tiền mặt.
a) Khả năng thanh toán ngắn hạn
- Công thức tính:
KNTT ngắn ngạn = Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Ý nghĩa: Nếu hệ số này lớn hơn 1 nghĩa là doanh nghiệp có khả năng thanh toán hết các khoản nợ, còn nếu nhỏ hơn 1 nghĩa là khả năng thanh toán còn yếu kém. Tuy nhiên, khi đọc chỉ số này cần xem xét xem nó tăng hay giảm. Chẳng hạn nếu hệ số tăng thì có thể do nợ nên doanh nghiệp chưa thu tiền cao, còn thừa nhiều hàng tồn kho chưa bán được khiến tài sản lưu động cao, khi đó khả năng thanh toán ngắn hạn cao chưa chắc đã là dấu hiệu tốt.
b) Khả năng thanh toán nhanh
- Công thức tính:
KNTT nhanh = (Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn – hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn
Ý nghĩa:
Hệ số này loại bớt được yếu tố hàng tồn kho vốn có tính thanh khoản thấp nên có thể phản ánh chính xác hơn khả năng thanh toán hiện tại của doanh nghiệp.
Nếu hệ số này nhỏ hơn 1 nghĩa là doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ ngắn hạn và ngược lại.
c) Khả năng thanh toán tiền mặt
- Công thức tính:
KNTT tiền mặt = Tiền và các khoản tương đương tiền / Nợ ngắn hạn
Ý nghĩa:
Tiền là tài sản có khả năng thanh toán cao nhất nên hệ số này thể hiện mức độ thanh toán nhanh đối với các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Hệ số này càng cao nghĩa là rủi ro thanh toán của doanh nghiệp càng thấp, những nếu quá cao thì có khả năng doanh nghiệp chưa sử dụng vốn một cách hiệu quả.
II. Các chỉ tiêu phân tích cơ cấu tài sản
Khi phân tích cơ cấu tài sản cần quan tâm 2 chỉ tiêu cơ bản là: Tài sản ngắn hạn/Tổng tài sản và Tài sản dài hạn/Tổng tài sản. 2 chỉ tiêu này cho biết tỷ trọng của từng loại tài sản trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong quá trình phân tích bảng cân đối kế toán, cần so sánh tỷ trọng này với đặc điểm ngành nghề kinh doanh để rút ra kết luận về tính hợp lý về cơ cấu tài sản của doanh nghiệp.
III. Các chỉ tiêu phân tích cơ cấu nguồn vốn
Cũng giống như các chỉ tiêu phân tích cơ cấu tài sản, các chỉ tiêu phân tích cơ cấu nguồn vốn bao gồm 2 hệ số cơ bản nhất là: Nợ phải trả/Nguồn vốn và Vốn chủ sở hữu/Nguồn vốn. 2 chỉ tiêu này cho thấy khả năng tự chủ tài chính và thể hiện rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra cũng có thể phân tích tỷ lệ nợ ngắn hạn và nợ dài hạn trên tổng nợ phải trả để có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu nợ của doanh nghiệp trong hiện tại.
IV. Các chỉ tiêu phân tích tình hình công nợ
1. Tỷ lệ các khoản phải thu so với các khoản phải trả
- Công thức:
Tỷ lệ các khoản phải thu so với các khoản phải trả = (Các khoản phải thu/Các khoản phải trả) x 100%
Ý nghĩa: Hệ số này thể hiện tỷ lệ giữa vốn chiếm dụng và vốn bị chiếm dụng của doanh nghiệp. Nếu tỷ lệ này cao hơn 100% thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chiếm dụng vốn nhiều hơn là bị chiếm dụng, và ngược lại.
2. Số vòng quay các khoản phải thu và số vòng quay các khoản phải trả
- Công thức:
Số vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu thuần / Các khoản phải thu bình quân
Số vòng quay các khoản phải trả = Doanh thu thuần / Các khoản phải trả bình quân
Trong đó: Doanh thu thuần sẽ được lấy trong báo cáo kết quả kinh doanh
Ý nghĩa: Số vòng quay các khoản phải thu và phải trả thể hiện việc thu hồi nợ và thanh toán nợ của doanh nghiệp có hiệu quả hay không. Nếu số vòng quay lớn có nghĩa là doanh nghiệp thu hồi nợ hoặc thanh toán nợ kịp thời, hiệu quả.
3. Thời gian thu tiền bình quân và thời gian trả tiền bình quân
- Công thức:
Thời gian thu tiền bình quân = Thời gian của kỳ phân tích / Số vòng quay các khoản phải thu
Thời gian trả tiền bình quân = Thời gian của kỳ phân tích / Số vòng quay các khoản phải trả
Ý nghĩa: Thời gian thu tiền hoặc trả tiền càng ngắn có nghĩa là doanh nghiệp có tốc độ thu hồi hoặc thanh toán tiền càng nhanh và doanh nghiệp càng ít bị chiếm dụng vốn, từ đó, uy tín của doanh nghiệp càng tăng cao. Tuy nhiên nếu thời gian này quá ngắn đồng nghĩa với việc chính sách bán chịu của doanh nghiệp quá chặt chẽ, gây khó khăn cho người mua. Đồng thời, số vốn doanh nghiệp chiếm dụng được sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến khả năng tài chính cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bài viết cùng chuyên mục
Tìm hiểu thông tin về vị trí kế toán trưởng
Kế toán trưởng là một vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Vậy kế toán trưởng là gì? Quyền hạn cũng như...
Hạch toán kế toán xăng dầu
Cách hạch toán kế toán xăng dầu như thế nào? Thắc mắc này xảy ra đối với không ít các bạn...
Bản mô tả công việc của kế toán nội bộ
Bản mô tả công việc của kế toán nội bộ. Kế toán hẳn là một nghề không còn xa lạ gì với mọi...
Kế toán xây dựng cơ bản cần làm những gì
Công việc của kế toán xây dựng cơ bản là một lĩnh vực khó trong công tác kế toán. Dịch vụ kế...
Chi phí quản lý doanh nghiệp là gì ?
Tìm hiểu khái niệm chi phí quản lý doanh nghiệp là gì? các khoản chi phí quản lý doanh...
Những kinh nghiệm cơ bản nhất cho người làm kế toán tổng hợp
Kế toán đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp. Các bạn sinh viên mới ra trường sẽ làm kế toán tổng...