TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG NĂM 2021
I. Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng năm 2021
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới khi hàng loạt quốc gia đối mặt với đợt bùng phát đợt dịch mới lây lan trên diện rộng, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, làn sóng dịch mới diễn biến nhanh, phức tạp tại các nước Malaysia, Phillipines, Thái Lan và Campuchia. Kể từ cuối tháng 4/2021,
Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư và dịch diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương, tập trung ở một số khu công nghiệp, có tốc độ lây lan nhanh. Tính đến ngày 24/5/2021, đợt bùng phát này đang ảnh hưởng đến 30 tỉnh/thành phố với tổng số ca nhiễm lên tới hơn 2.000.
Trong tình hình mới, Chính phủ xác định việc phòng dịch vẫn là yếu tố cơ bản, quyết định trong ứng phó với dịch bệnh và cần huy động các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân cho công tác xét nghiệm chủ động và tổ chức tiêm vaccine cho người dân, đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch có hiệu quả vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 30/4/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham (Business Climate Index - BCI) quý I/2021. Theo đó, doanh nghiệp châu Âu khởi động năm 2021 với sự tích cực và niềm tin lạc quan về môi trường thương mại, đầu tư của Việt Nam. Cụ thể, Chỉ số BCI trong quý I/2021 đạt 73,9 điểm phần trăm, đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý III/2019, trước khi đại dịch COVID-19 tác động hệ thống thương mại, đầu tư toàn cầu. Kết quả khảo sát Chỉ số BCI cũng cho thấy sự lạc quan về môi trường kinh doanh tiếp tục được duy trì, khẳng định Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế, trong khi nhiều quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch COVID-19. Việt Nam có khả năng có thể đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Đây là một trong những yếu tố tích cực củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo nhận định của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc, có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay và 7% vào năm 2022. Ngày 21/5/2021, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s Global Ratings thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ Ổn định lên Tích cực. Như vậy, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên Tích cực.
Các biện pháp chống dịch hiệu quả cùng với tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực là những yếu tố đã tác động tích cực đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 và 5 tháng năm 2021.
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 năm 2021
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 5 năm 2021 là 16.495 doanh nghiệp (tăng 4,5% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 11.603 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 8,2%) và 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 3,2%).
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Trong tháng 5 năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 11.603 doanh nghiệp (tăng 8,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký là 150.606 tỷ đồng (tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020)[1]. Vốn đăng ký bình quân đạt 13 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kể từ cuối tháng 4/2021.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5 năm 2021 là 72.156 người, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2020.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động
Tháng 5/2021 ghi nhận 13/17 lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó những lĩnh vực có mức tăng cao nhất là: Hoạt động dịch vụ khác tăng 74,6%; Kinh doanh bất động sản tăng 60,4%; Giáo dục và đào tạo tăng 53,5%; Thông tin và truyền thông tăng 41,4%. Một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng như: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 11,6%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,4%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 13,2%.
03/17 lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020: trong đó Sản xuất, phân phối điện, nước, gas ghi nhận mức giảm mạnh giảm 71,6%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 16,8%; Xây dựng giảm 3,6%.
Ngành Khai khoáng có số doanh nghiệp đăng ký không thay đổi so với cùng kỳ năm 2020.
- Phân theo địa bàn hoạt động
Trong tháng 5/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở 32/63 địa phương, giảm ở 28/63 địa phương và không thay đổi tại 03/63 địa phương. Trong số 30 địa phương có ca bệnh Covid-19, có 10 địa phương ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể là các tỉnh/thành phố: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Đắk Lắk trong đó mức giảm mạnh nhất ghi nhận ở Đắk Lắk (giảm 40,4%),Vĩnh Phúc (giảm 29,7%) và Điện Biên (giảm 36,4%).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Tháng 5 năm 2021 ghi nhận có 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 5/2021 giảm ở hầu hết các lĩnh vực so với tháng 5/2020, cụ thể giảm ở 13/17 ngành, nghề kinh doanh. Trong đó các ngành, nghề có mức giảm mạnh nhất là: Giáo dục và đào tạo (giảm 27,7%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 25%); Khai khoáng (giảm 17,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 16,7%).
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 5 năm 2021, có 8.913 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có:
- 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020;
- 4.234 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2020;
- 1.279 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020.
III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng năm 2021
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm 2021 là 78.333 doanh nghiệp (tăng 11,9% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 55.769 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,4%) và 22.564 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9%). Trung bình mỗi tháng có 15.667 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2021 là 55.769 doanh nghiệp, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016-2021. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2021 là 1.753.416 tỷ đồng (tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 778.327 tỷ đồng (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2020)[2]. Có 19.066 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng năm 2021 (tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 975.089 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng năm 2021 đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2021 là 412.421 lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.
- Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 16/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản (tăng 57%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 43,6%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 40,7%); Giáo dục và đào tạo (tăng 36,7%);...
Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 18.538 doanh nghiệp (chiếm 33,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 7.197 doanh nghiệp (chiếm 12,9%); Xây dựng có 7.120 doanh nghiệp (chiếm 12,8%).
Có 1/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020, đó là: ngành Sản xuất phân phối, điện, nước, gas có 657 doanh nghiệp (giảm 29,2%).
- Phân theo quy mô vốn:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở cả 5 quy mô vốn. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 49.454 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 3.016 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng là 1.700 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng là 802 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 797 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2020).
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng năm 2021 là 22.564 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 5/2021 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (7.917 doanh nghiệp, chiếm 35,1%); Xây dựng (3.379 doanh nghiệp, chiếm 15%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.786 doanh nghiệp, chiếm 12,3%).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng năm 2021 tăng ở 11/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Hoạt động dịch vụ khác (332 doanh nghiệp, chiếm 1,5%, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020); Kinh doanh bất động sản (718 doanh nghiệp, chiếm 3,2%, tăng 19,3 % so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.276 doanh nghiệp, chiếm 5,7%, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020) và Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (177 doanh nghiệp, chiếm 0,8%, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng năm 2021 giảm ở 05/17 lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (314 doanh nghiệp, chiếm 1,4%, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2020); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (194 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (217 doanh nghiệp, chiếm 1%, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2020); Khai khoáng (197 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2020); Giáo dục và đào tạo (494 doanh nghiệp, chiếm 2,2%, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020).
Ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động không thay đổi so với cùng kỳ năm 2020.
2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Số liệu doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy tín hiệu tích cực, tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiếp tục chịu tác động từ dịch bệnh, thể hiện qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng, với 59.820 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 31.818 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 53,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng năm 2021. Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Bài viết cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu
Ngày 20/8/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3802/UBND-KT về việc triển...
Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số
Ngày 27/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử...
Tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại VN
Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics, phần lớn các doanh nghiệp...
Thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lĩnh vực Cà phê
Tổng diện tích trồng cà phê Việt Nam trong năm 2017 đạt khoảng 662,2 nghìn ha, trong đó diện tích trồng cà...