Thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT); Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT; Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2021 và đề nghị của Sở Công Thương, nhằm khuyến khích phát triển CNHT và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp CNHT; đồng thời thu hút, huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển CNHT, ngày 27/01/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND về Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2022.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2022 có khoảng 920 doanh nghiệp có
giấy phép kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội, Trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn quốc gia tại Việt Nam; giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực VNHT hàng năm tăng lên 11%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch cũng đã đề ra 6 giải pháp cụ thể, như sau:
- Một là, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
- Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
- Ba là, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.
- Bốn là, xây dựng và công bố thông tin về CNHT hàng năm.
-Để đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2022, kế hoạch của UBND TP.Hà Nội đề cập cụ thể tới việc thuê chuyên gia tư vấn trực tiếp, hỗ trợ kỹ thuật cho chủ sở hữu
Thành lập doanh nghiệp CNHT thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
-Tổ chức Hội chợ CNHT năm 2022 cho các doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông…). Tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (tổ chức theo hình thức offline và online), các doanh nghiệp tham gia Hội chợ sẽ vừa được giao thương trực tiếp tại Hội chợ, vừa có thể
giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…
-Bên cạnh đó, hỗ trợ đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT hoàn thiện, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực.
-Ngoài ra, xây dựng website về CNHT TP.Hà Nội, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về CNHT thành phố…
-UBND TP.Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, triển khai; giám sát các hoạt động, kết quả thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
-Các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Công Thương thực hiện Kế hoạch số 35 theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu mà chương trình phát triển CNHT TP.Hà Nội năm 2022 đã đề ra. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương khảo sát, thẩm tra, lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị có đủ năng lực, điều kiện thực hiện Chương trình; nghiệm thu các nội dung thực hiện tại các doanh nghiệp CNHT được thụ hưởng kinh phí Chương trình cấp Thành phố…