MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP VÀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
hừa Thiên – Huế là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Thành phố Huế vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa mang nét đẹp cổ kính với di sản văn hóa thế giới, đóng vai trò hạt nhân đô thị hoá lan toả và kết nối với các đô thị vệ tinh. Môi trường thu hút đầu tư lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có năng lực. Hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, chống được chia cắt vùng miền, tạo ra động lực phát triển giữa nông thôn và thành thị. Năng lực sản xuất mới hình thành và mở ra tương lai gần sẽ có bước tăng trưởng đột phá: phía Bắc có các khu công nghiệp Phong Điền, Tứ Hạ, xi măng Đồng Lâm; phía Nam có khu công nghiệp Phú Bài, Khu Kinh tế – Đô thị Chân Mây – Lăng Cô sôi động; phía Tây đã hình thành mạng lưới công nghiệp thủy điện Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới, xi măng Nam Đông; phía Đông phát triển mạnh khai thác và nuôi trồng thuỷ sản và Khu kinh tế tổng hợp Tam Giang – Cầu Hai.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ; đạt ở mức trung bình so với các tỉnh/thành trong vùng duyên hải miền Trung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt thấp 3,05% so với cùng kỳ; từ đầu năm đến nay chưa có dự án mới đi vào hoạt động. Một số sản phẩm chủ lực đều giảm do thiếu nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, ảnh hưởng đến một số đơn hàng xuất khẩu vào thị trường chính EU, Mỹ; sản lượng bia giảm 1,8% so với cùng kỳ; sản lượng điện sản xuất giảm 23,22% do lượng mưa thấp.
Về sản xuất nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết diễn biến bất thường song sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn tăng trưởng 0,84% so với cùng kỳ; chăn nuôi gia súc được phục hồi, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tăng, kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển.
Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất, tăng trưởng âm 2,26%, nhất là ngành du lịch; lượng khách quốc tế giảm 48,4%, khách nội địa giảm 43% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch giảm 41,2%; hầu hết các doanh nghiệp du lịch, vận tải... ngừng hoạt động từ tháng 2 đến tháng 4.
I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020
1. Doanh nghiệp thành lập mới
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Thừa Thiên - Huế có 369 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 7,6% vùng 07 tỉnh miền Trung và chiếm 0,6% cả nước) với số vốn đăng ký là 5.147 tỷ đồng (chiếm 15,1% vùng 07 tỉnh miền Trung và chiếm 0,7% cả nước), tăng 6,3% về số doanh nghiệp và 16,1% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tại Thừa Thiên - Huế là 4.416 (chiếm 11,9% vùng 07 tỉnh miền Trung và chiếm 0,9% cả nước), giảm 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng Quý II/2020, Thừa Thiên - Huế có 203 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 2.388 tỷ đồng, tăng 22,3% về số doanh nghiệp và giảm 13,5% về số vốn so với Quý I/2020. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tại Thừa Thiên - Huế là 2.624, tăng 46,4% so với Quý I/2020.
2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Tại Thừa Thiên - Huế, trong 6 tháng đầu năm 2020 có 158 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (chiếm 8,7% vùng 07 tỉnh miền Trung và 0,6% cả nước), giảm 3,7 % so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong Quý II/2020 tại Thừa Thiên -Huế có 68 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 32,0% so với Quý I/2020.
3. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tại Thừa Thiên - Huế có: 287 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 8,4% vùng 07 tỉnh miền Trung và chiếm 1,0% cả nước), tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2019; 129 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (chiếm 4,4% vùng 07 tỉnh miền Trung và chiếm 0,7% cả nước), tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2019; 49 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (chiếm 6,1% vùng 07 tỉnh miền Trung và chiếm 0,7% cả nước), không tăng/giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Trong Quý II/2020, Thừa Thiên - Huế có 114 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 34,5% so với Quý I/2020; 78 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,4% so với Quý I/2020; 19 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 36,7% so với Quý I/2020.
Ngoài ra, theo số liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2020, tại Thừa Thiên - Huế có 108 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (chiếm 6,9% vùng 07 tỉnh miền Trung và 0,5% cả nước), tăng 89,5% so cùng kỳ năm 2019. Riêng Quý II/2020, Thừa Thiên - Huế có 59 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 18,0% so với Quý I/2020.
II. Về tình hình cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh
- Về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Thừa Thiên -Huế đã vươn lên đứng vị thứ 20/63 với 66,50 điểm, xếp phía trên của nhóm khá, tăng 10 bậc so với PCI năm 2018. Với việc số ngày đăng ký doanh nghiệp và số ngày thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn đáng kể, thủ tục được niêm yết công khai, cùng cán bộ hướng dẫn rõ ràng, thân thiện đã giúp cho các chỉ số về gia nhập thị trường và tính minh bạch của Thừa Thiên - Huế vẫn giữ được điểm số cao. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.
- Bên cạnh đó, một điểm đáng lưu ý là năm 2019, chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) của Thừa Thiên - Huế đạt 45,86 điểm. Với điểm số này, Thừa Thiên - Huế vươn lên mạnh mẽ, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố (năm 2018 xếp thứ 43/63). Kết quả nổi bật trên là nhờ tỉnh đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính và quy trình tiếp nhận, giải quyết, giao trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chú trọng hơn về kỹ năng tiếp xúc với người dân trong thực thi công vụ, năng lực thừa hành nhiệm vụ và cung ứng dịch vụ công cho người dân, thực hiện tốt phương châm “Thân thiện - Đúng hẹn - Đơn giản”. Trách nhiệm giải trình không ngừng được cải thiện. Thông qua truyền thông, các hoạt động của chính quyền được cung cấp kịp thời, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển được công khai, kiến nghị phản ánh của người dân được chính quyền phản hồi với trách nhiệm cao đã tạo được sự đồng thuận của người dân.
- Về chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX), Thừa Thiên - Huế xếp vị thứ 13 trên toàn quốc, đạt 83,06 điểm (tăng 4,06 điểm), tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2018 (79,00 điểm) và được đánh giá là địa phương có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây. Với những việc làm thiết thực, đến nay, tỉnh đã dần khẳng định thế mạnh về xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến đã dần đi vào đời sống xã hội, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh là 30,36%. Về bưu chính công ích, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế để khuyến khích người dân tham gia giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Để tiếp tục phát huy những kết quả ấn tượng trên, trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, gồm: Tiếp tục ưu tiên cho công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19; tập trung ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong đó triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, ưu tiên các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác; xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới...;thực hiện Đề án phát triển công nghiệp nông thôn và Chương trình đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã...
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; ưu tiên đầu tư các dự án chuyển tiếp phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất và các dự án cấp thiết trong nguồn lực có hạn.
Nguồn bài viết https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5164/mot-so-noi-dung-ve-tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-va-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh--cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-tai-thua-thien--.aspx
Bài viết cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu
Ngày 20/8/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3802/UBND-KT về việc triển...
Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số
Ngày 27/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử...
Tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại VN
Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics, phần lớn các doanh nghiệp...
Thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lĩnh vực Cà phê
Tổng diện tích trồng cà phê Việt Nam trong năm 2017 đạt khoảng 662,2 nghìn ha, trong đó diện tích trồng cà...