Kinh tế tuần hoàn - Hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam
Hoạt động kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để khắc phục những vấn đề này, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã phát trên trang web của mình vào đầu năm 2020 lời kêu gọi “Thế giới đang cần một nền kinh tế tuần hoàn. Hãy giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực”.
Ngày 23/10/2020, Tạp chí Kinh tế và Dự Báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam” nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho doanh nghiệp trong triển khai các sáng kiến, mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ: Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Kinh tế tuần hoàn hội tụ 4 lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải ngành này thành nguồn của ngành kia, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải do con người sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Việt Nam tuy đạt được những thành quả về phát triển bền vững nhưng cũng phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Vì thế, lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là nguyên vật liệu sản xuất.
Tham gia phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, hướng tới thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) đã chỉ ra những hệ quả của kinh tế tuyến tính từ đó đòi hỏi sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và khẳng định “Kinh tế tuần hoàn là tương lai của doanh nghiệp”.
Nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã phối hợp với VBCSD tổ chức các hoạt động cốt lõi để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như hội thảo giới thiệu mô hình nền kinh tế tuần hoàn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đào tạo về kinh tế tuần hoàn cho cán bộ chủ chốt của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, truyền thông, nghiên cứu thị trường và hợp tác quốc tế để thực hiện các sáng kiến kinh tế tuần hoàn.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết những thách thức và kiến nghị đối với phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Theo ông, thách thức chủ yếu là sự nhận thức đúng bản chất của kinh tế tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế; chúng ta chưa có hành lang pháp lý; chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá; kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự phối hợp chia sẻ, gắn kết các bên liên quan, đòi hỏi có đội ngũ chuyên gia giỏi và đòi hỏi có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế. Do đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng. Phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương. Tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường. Tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên. Vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn.
Ông Trần Quốc Trung Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận khu công nghiệp sinh thái hướng tới kinh tế tuần hoàn. Ông Trần Quốc Trung chia sẻ mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam và một số nước, và cho biết, thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp, từ năm 1991 đến nay, hệ thống các khu công nghiệp ngày càng phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, là động lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại các địa phương và cả nước. Hiện có 374 khu công nghiệp, khu chế xuất, 280 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (77,1 nghìn ha); Thu hút 9.313 dự án FDI (155 tỷ USD); 8.155 dự án trong nước (1.037 nghìn tỷ đồng); Chiếm 50,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp NSNN trên 121,4 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho 3,7 triệu lao động.
Mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái là nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và tạo điều kiện xây dựng các mối gắn kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dung công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất trong khu công nghiệp. Đồng thời, hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp.
Các bài tham luận đã cung cấp những thông tin cơ bản về vai trò và lợi ích của kinh tế tuần hoàn cũng như những khó khăn, thách thức cho việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những cách làm sáng tạo, mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng thành công trong các doanh nghiệp như Heineken Việt Nam và Unilever Việt Nam.
Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tận dụng cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.
Bài viết cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu
Ngày 20/8/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3802/UBND-KT về việc triển...
Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số
Ngày 27/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử...
Tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại VN
Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics, phần lớn các doanh nghiệp...
Thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lĩnh vực Cà phê
Tổng diện tích trồng cà phê Việt Nam trong năm 2017 đạt khoảng 662,2 nghìn ha, trong đó diện tích trồng cà...