Trong quá trình tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh nhu cầu giảm vốn điều lệ công ty theo thì việc tăng vốn điều lệ công ty để nâng cao quy mô cũng là một vấn đề được nhiều chủ sở hữu Thành lập doanh nghiệp quan tâm. Như đã đề cập ở các bài viết trước đây, việc thay đổi bản chất của vốn điều lệ thành vốn thực góp đã khiến cho việc tăng vốn điều lệ lại càng có ý nghĩa hơn. Khác với vốn điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm thành lập doanh nghiệp là vốn cam kết góp thì vốn điều lệ khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ là dòng vốn thực được rót vào thị trường. Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì trong vòng 01 năm từ khi thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (1/7/2015 - 1/7/2016), cả nước đã có 23.950 lượt doanh nghiệp tăng vốn điều lệ với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 690 nghìn tỷ đồng[1]. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các trường hợp tăng vốn điều lệ cũng như trình tự, thủ tục thực hiện việc tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần.
Việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
- Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ.
- Chào bán ra công chúng;
Việc chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.
Do vậy, trong phạm vi của Luật Doanh nghiệp, bài viết sẽ tập trung phân tích hai hình thức chào bán cổ phần: chào bán cổ phần riêng lẻ và chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
1. Chào bán cổ phần riêng lẻ
a) Về khái niệm
Luật Doanh nghiệp không có định nghĩa hay giải thích từ ngữ thế nào là chào bán cổ phần riêng lẻ. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán quy định: “Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới một trăm nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet”.
b) Về trình tự, thủ tục
Luật Doanh nghiệp đã quy định cụ thể các bước thực hiện việc chào bán cổ phần riêng lẻ như sau:
- Công ty thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chào bán cổ phần riêng lẻ và Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Công ty có quyền bán cổ phần sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh
- Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần
2. Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu
a) Về khái niệm
Luật Doanh nghiệp quy định: “Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty”.
Như vậy, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được xác định là việc: (1)Công ty chào bán cổ phần cho tất cả cổ đông hiện hữu và (2) chào bán theo tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông hiện hữu tại công ty.
b) Về trình tự, thủ tục
Luật Doanh nghiệp đã quy định cụ thể các bước thực hiện việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu như sau:
- Công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông chậm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần;
- Thông báo phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; số cổ phần và tỷ lệ cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn như thông báo thì cổ đông có liên quan coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua;
- Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.
- Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại đó cho cổ đông của công ty hoặc người khác theo cách thức hợp lý với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc cổ phần được bán qua Sở giao dịch chứng khoán.
c) Một số lưu ý khi thực hiện việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu
Cổ đông công ty có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác không phải là cổ đông công ty.
Về thời điểm hoàn thành việc bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể. Theo đó, cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Doanh nghiệp được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.
Bên cạnh đó, sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phải phát hành và trao cổ phiếu cho người mua. Công ty có thể bán cổ phần mà không trao cổ phiếu. Trường hợp này, các thông tin về cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Doanh nghiệp này được ghi vào sổ đăng ký cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đó trong công ty.
Như đã đề cập ở trên, việc doanh nghiệp
đăng ký kinh doanh thực hiện tăng vốn điều lệ là dòng vốn thực góp được đẩy vào thị trường. Do vậy, với việc quy định cụ thể hồ sơ , trình tự, thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ, Luật Doanh nghiệp đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết để khơi thông nguồn vốn doanh nghiệp đưa vào nền kinh tế.