THÀNH LẬP CÔNG TY CHỈ VỚI 999K
Thành lập công ty online
0932.068.886 - 096.3839.005 Gọi chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Thành lập công ty online
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

CỤC QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ KINH DOANH TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2020

Tại Hội nghị, Ông Bùi Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã trình bày tóm tắt về kết quả công tác năm 2020 của Cục, nhận định về những thách thức, khó khăn đã gặp phải trong năm qua và đưa ra những định hướng cho kế hoạch công tác trong năm 2021.

         Kết quả đạt được của năm 2020:

         Từ đầu năm 2020 đến nay, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành các kết luận, nghị quyết, chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội... Có thể thấy, về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp, được nhân dân cả nước đồng tình, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Có thể đánh giá chung một số kết quả đã đạt được trong năm 2020 như sau:

(1) Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập và hoạt động trên thị trường, góp phần nâng cao chỉ số khởi sự kinh doanh

Trong năm 2020, công tác xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh tiếp tục được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tích cực triển khai với tinh thần chủ động, khẩn trương, đảm bảo yêu cầu đề ra. Trong đó, nổi bật là Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020…  qua đó, tiếp tục tạo ra bước đột phá về thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp khi thành lập và hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi gia nhập thị trường thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc. Bên cạnh đó, Cục cũng đã xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay.

(2) Cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin về đăng ký doanh nghiệp phục vụ cho công tác hoạch định chính sách vĩ mô và nhu cầu của xã hội

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tiếp tục duy trì thực hiện tốt vai trò cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp phục vụ cho công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và nhu cầu của xã hội. Các báo cáo của Cục đã cung cấp số liệu chi tiết, phản ánh trung thực thông tin về tình hình đăng ký doanh nghiệp, phân tích để chỉ ra nguyên nhân gia tăng số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong các kỳ báo cáo. Các thông tin do Cục cung cấp đã được Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan truyền thông ghi nhận và sử dụng. Nhiều nội dung báo cáo của Cục đã được đưa vào các văn bản, báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, báo cáo Quốc hội, báo cáo giải trình kiến nghị cử tri...
Cục cũng đã thực hiện báo cáo và phân tích đánh giá nhanh về tình hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ đó tham mưu cho Bộ để Bộ ta đưa ra các đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua những khó khăn trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các dịch vụ cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tiếp tục đóng góp tích cực cho mục tiêu minh bạch hóa thông tin trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.

(3) Chú trọng công tác chuyển đổi số

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cấp các ứng dụng dựa trên khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, chia sẻ kết nối dữ liệu với các Bộ, ban ngành và địa phương đã mở ra nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận, khai thác thông tin, đồng thời gia tăng tính công khai, minh bạch về thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, từ đó, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, việc mở rộng thêm phạm vi ứng dụng cho các đối tượng khác ngoài doanh nghiệp như hợp tác xã và dự kiến trong thời gian tới là hộ kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đối xử công bằng đối với tất cả các loại hình tổ chức kinh tế. Đồng thời, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh sẽ có sức lan tỏa, là một thực tiễn tốt cho các lĩnh vực khác.
Tính đến ngày 07/12/2020, tỷ lệ đăng ký qua mạng cả nước đạt 76,42%, riêng thành phố Hà Nội đạt 98,96% và thành phố Hồ Chí Minh đạt 88,47%.

(4) Chủ động cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh để đảm bảo mục tiêu nâng cao thứ hạng Chỉ số khởi sự kinh doanh

Tiếp thu những kiến nghị của Cục tại các Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục về đăng ký sử dụng hóa đơn VAT và thủ tục nộp lệ phí môn bài, ngày 24/02/2020 Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định về lệ phí môn bài, hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2020. Theo quy định tại Nghị định này thì tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới), hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12). Như vậy, từ ngày 25/02/2020 thì thủ tục khai, nộp lệ phí môn bài không còn là một trong tám (1/8) thủ tục của Quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.
Sau khi Nghị định này được ban hành, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã chủ động trao đổi, phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương để cung cấp những nội dung của cải cách này đến Ngân hàng Thế giới phục vụ kết quả đánh giá Báo cáo Doing Business trong thời gian tới.

(5) Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân và các địa phương triển khai áp dụng các quy định về đăng ký kinh doanh

Công tác hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ đăng ký kinh doanh và người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được triển khai một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác đăng ký doanh nghiệp trong năm qua. Việc vận dụng, kết hợp đa dạng các hình thức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp giúp giảm tải khối lượng văn bản, đồng thời xây dựng một môi trường hành chính chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Trong năm 2020, tính đến ngày 30/11/2020, ước tính đã có 97.547 yêu cầu hỗ trợ (trong đó có 10.859 thư điện tử, 71.413 cuộc điện thoại và 15.890 hội thoại trực tuyến) của người dùng Cổng Thông tin được tiếp nhận và xử lý. So với năm 2019 (78.826 yêu cầu hỗ trợ) số lượng yêu cầu hỗ trợ đã tăng lên 24% cho thấy các dịch vụ công về đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp, người dân biết đến nhiều hơn và cũng phù hợp với xu hướng người dân, doanh nghiệp chuyển từ nộp hồ sơ bản giấy sang thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp thì việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cũng góp phần tăng tính tuân thủ về yêu cầu giãn cách xã hội và tránh tụ tập nơi đông người.

(6) Xử lý khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp

Năm 2020, ngoài việc tiếp nhận xử lý các phản ánh, kiến nghị do Văn phòng Bộ chuyển, tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị gửi trực tiếp, Cục còn thực hiện tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị được gửi đến qua Hệ thống phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

(7) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đánh giá đa phương của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền

Trong năm 2020, với vai trò là đơn vị đầu mối của Bộ, Cục đã tiếp tục tham gia phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao phục vụ cho việc đánh giá đa phương của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với Việt Nam như: Đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; Thực hiện phổ biến, tuyên truyền Kết quả đánh giá rủi ro pháp nhân cho các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, Sở Kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; Tham gia Tổ giúp việc thực hiện các hành động sau đánh giá đa phương của APG và triển khai các hành động chuẩn bị cho giai đoạn sau đánh giá đa phương của APG.
/hoanghung/31/images/cuc-quan-ly-dang-ky-kinh-doanh-tong-ket-cong-tac-nam-2020-va-xay-dung-chuong-trinh-cong-tac-nam
Một số khó khăn, hạn chế Cục đã gặp phải:

Trên cơ sở tình hình công tác năm 2020, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận thức được một số khó khăn, hạn chế như sau:

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát bước đầu, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có nhiều chiều hướng xấu, những hậu quả mà dịch bệnh mang lại cho toàn xã hội là rất nặng nề và dai dẳng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến tâm lý đầu tư kinh doanh của chủ doanh nghiệp. Các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 đã cho thấy rõ những ảnh hưởng đó. Thể hiện cụ thể là sự giảm sút về số doanh nghiệp thành lập mới, số lao động đăng ký và sự gia tăng mạnh mẽ của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn. Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, năm 2020 có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Mặc dù vậy, đây cũng là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thứ hai, trong bối cảnh khung khổ pháp lý về doanh nghiệp được cải cách theo hướng thông thoáng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp thì vai trò của công tác hậu kiểm càng trở nên quan trọng hơn; tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, công tác hậu kiểm đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Công cụ và lực lượng hậu kiểm tại các địa phương chưa được quan tâm, bố trí tương xứng với vai trò, nhiệm vụ, thiếu cả về lực lượng lẫn chất lượng nên hiệu quả đạt được chưa cao.
Thứ ba, hộ kinh doanh là một chủ thể có số lượng lớn và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong hoạch định chính sách. Dữ liệu về hộ kinh doanh chưa đầy đủ, chưa có một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất dữ liệu của các hộ kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh chưa có sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cấp huyện. Điều đó dẫn đến việc các cơ quan nhà nước không nắm bắt được thông tin kịp thời dẫn tới vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng các nghĩa vụ của các đối tượng này, đồng thời, gây khó khăn trong việc tổng hợp thông tin, phân tích, đánh giá để từ đó xây dựng chính sách, quy định hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, chưa ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp giữa các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong một số lĩnh vực, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp dẫn đến khó khăn cho việc triển khai cơ chế liên thông điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp cũng như chia sẻ thông tin phục vụ cho công tác hậu kiểm.

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2021:

Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2020, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh xác định định hướng hoạt động trong năm 2021 với những nhiệm vụ chính là:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.
 Thứ hai, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, trao đổi và khớp nối dữ liệu về tình hình doanh nghiệp với các cơ quan có liên quan.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ kinh doanh nhằm thống nhất dữ liệu của các hộ kinh doanh trên toàn quốc, từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tổng hợp thông tin, phân tích, đánh giá để từ đó xây dựng chính sách, quy định hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng và nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã, xây dựng lộ trình và thay thế các thiết bị cũ, hết khấu hao sử dụng; nâng cấp, theo dõi, đánh giá các ứng dụng của Hệ thống nhằm đáp ứng quy định về đăng ký doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kết nối và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Thứ năm, chỉ đạo các địa phương có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí và minh bạch hóa nền hành chính quốc gia, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, huyện, từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh trên cả nước, phục vụ tốt hơn cho yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Cục để nâng cao hiệu suất công tác.
Thứ bảy, nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý rủi ro trong đăng ký kinh doanh, tăng cường công tác giám sát về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Nâng cao chất lượng Bộ chỉ số đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Phòng Đăng ký kinh doanh địa phương, đảm bảo chất lượng dịch vụ hành chính công tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tại Hội nghị Tổng kết, các Đại biểu khách mời tham dự cũng đã có đánh giá cao về những đóng góp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh về các khía cạnh công tác Đảng, hoạt động chuyên môn, hoạt động đoàn thể.
Kết thúc Hội nghị, Ông Bùi Anh Tuấn đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các Đại biểu khách mời đã đến tham dự và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục đã có một năm đóng góp, cống hiến hết mình vì công việc chung của Cục.

  Sáng ngày 23/12/2020, Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã chủ trì Hội nghị Tổng kết tình hình công tác năm 2020 của Cục với sự tham gia của các Đại biểu đến từ Đảng ủy cơ quan, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Thi đua, Khen thưởng và Truyền thông và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị đã được tổ chức thành công tốt đẹp, là dịp để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục cùng nhìn lại năm công tác 2020 để đánh giá những kết quả đạt được cũng như nhận định những thách thức, hạn chế cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

CỤC QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ KINH DOANH TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2020 VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2021

  • Currently 4.59/5
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
4.65 sao của 1613 đánh giá
CỤC QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ KINH DOANH TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2020
CỤC QUẢN LÝ ĐĂNG KÝ KINH DOANH TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2020
Đăng ký kinh doanh Tư vấn miễn phí 0932.068.886 19/2B Thạnh Lộc 08, KP 3A,Thạnh Lộc, Quận 12, HCM
Bài viết cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu
Ngày 20/8/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3802/UBND-KT về việc triển...
Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số
Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số
Ngày 27/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử...
Tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại VN
Tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại VN
Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics, phần lớn các doanh nghiệp...
Thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lĩnh vực Cà phê
Thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lĩnh vực Cà phê
Tổng diện tích trồng cà phê Việt Nam trong năm 2017 đạt khoảng 662,2 nghìn ha, trong đó diện tích trồng cà...
0932.068.886