THÀNH LẬP CÔNG TY CHỈ VỚI 999K
Thành lập công ty online
0932.068.886 - 096.3839.005 Gọi chúng tôi để được tư vấn miễn phí!
Thành lập công ty online
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Cải thiện hệ thống Khởi sự kinh doanh của Việt Nam

Cải thiện hệ thống Khởi sự kinh doanh của Việt Nam
Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn đã nêu tóm tắt quá trình cải cách đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế và người dân, doanh nghiệp đối với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lĩnh vực đăng ký kinh doanh là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nổi bật nhờ sự quan tâm của Nhà nước nhằm tạo mọi điều kiện, thu hút các chủ thể gia nhập vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tốc độ gia tăng doanh nghiệp đăng ký thành lập trung bình giai đoạn 2000-2020 là 12,6%, việc cải cách liên tục về mặt thể chế, cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin với một Hệ thống quản lý hiện đại, lĩnh vực đăng ký kinh doanh và thủ tục Khởi sự kinh doanh đang thể hiện được sức ảnh hưởng không nhỏ trong bức tranh về môi trường kinh doanh của Việt Nam, góp phần lớn trong phát triển nền kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, những kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế ghi nhận và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá tích cực, đặc biệt là thông qua các Báo cáo uy tín như Doing Business của Ngân hàng Thế giới. Đây là Báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh ở các nền kinh tế, với 11 chỉ số thành phần bao gồm: Khởi sự kinh doanh (Starting a Business), Xin giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan (Dealing with Construction Permits), Tiếp cận điện (Getting Electricity), Đăng ký tài sản (Registering Property), Tiếp cận vốn (Getting Credit), Bảo vệ cổ đông thiểu số (Protecting Minority Investors), Nộp thuế (Paying Taxes), Thương mại xuyên biên giới (Trading across Borders), Mức thực thi các hợp đồng (Enforcing Contracts), Giải quyết tình trạng phá sản (Resolving Insolvency). Trong đó, chỉ số Khởi sự kinh doanh được đo lường thông qua 04 yếu tố là thời gian, chi phí, thủ tục và vốn tối thiểu; mỗi yếu tố chiếm tỷ trọng là 25%. Điểm số của chỉ số Gia nhập thị trường là trung bình cộng điểm số của 04 yếu tố kể trên, được thu thập thông qua bảng câu hỏi điều tra được thực hiện với các công ty TNHH 100% vốn trong nước có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh (Ngân hàng Thế giới coi đây là trung tâm kinh tế của Việt Nam), thực hiện hoạt động sản xuất, thương mại thông thường (không thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện)…
Cụ thể, theo đánh giá tại Báo cáo Doing Business, trong giai đoạn 2004 - 2020, Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng từ 66,1 điểm đến 85,1 điểm, với thời gian được cắt giảm từ 61 ngày xuống còn 16 ngày, giảm từ 11 xuống còn 8 thủ tục,  với chi phí tính trên bình quân thu nhập đầu người giảm từ 31,9% xuống còn 5,6% vươn lên đứng thứ 05 trong khu vực và đứng thứ 115 khi so sánh với môi trường kinh doanh toàn cầu. Những thành quả này bắt nguồn từ tầm nhìn phát triển dài hạn, nỗ lực liên tục, bền bỉ và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đúng với tinh thần tự do kinh doanh trong Hiến pháp và là nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ đó của Việt Nam, nền kinh tế quốc tế cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt, đặc biệt, sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã mang đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh hiện nay, cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và hiện đại hóa đăng ký kinh doanh nói riêng đang được các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm. Thực tế cho thấy, các nước trong khu vực và quốc tế đang không ngừng tăng tốc, áp dụng các công nghệ mới, các sáng kiến mới nhằm tối ưu hóa các khâu trong xử lý thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, giảm đáng kể thời gian và chi phí.
Những năm gần đây, mặc dù Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh (qua việc tăng điểm), nhưng còn ít và chậm; trong khi các nền kinh tế cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn, do đó thứ hạng liên tục giảm trong 2 năm gần đây (mỗi năm giảm 01 bậc). Đơn cử trong ASEAN, Singapore duy trì ổn định vị trí thứ 2 từ năm 2016; Malaysia tăng hạng nhiều và liên tiếp trong hai năm gần đây (qua hai năm tăng 12 bậc); Thái Lan tăng tốc mạnh trong năm 2017 (tăng 20 bậc) và tiếp tục tăng 6 bậc trong 2019; Indonesia sau 3 năm cải thiện mạnh mẽ và liên tục (năm 2017 tăng 42 bậc so với 2014), từ 2018 có xu hướng chững lại; Philippines tăng tới 29 bậc trong năm 2019. Điều này cho thấy các nền kinh tế có xu hướng cải cách nhanh và quyết liệt hơn chúng ta. Chính vì thế, việc nhìn lại những gì đang có, so sánh với các nước trong khu vực để rút kinh nghiệm những điểm còn hạn chế và học tập những hướng đi, những sáng kiến để cải thiện hơn nữa công tác đăng ký kinh doanh là hết sức quan trọng.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới tại Báo cáo DoingBusiness 2020, Việt Nam hiện đang xếp hạng thứ 115/190 quốc gia được nghiên cứu về chỉ số Khởi sự kinh doanh, bao gồm 08 thủ tục, với tổng thời gian thực hiện là 16 ngày. So sánh với 10 nước khu vực ASEAN, Việt Nam đang đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng sau Singapore (xếp hạng 4), Brunei (xếp hạng 16), Thái Lan (xếp hạng 47) và Myanmar (xếp hạng 70). Những nước có thứ hạng cao trong khu vực đa số đều có số thủ tục thành lập doanh nghiệp ít với thời gian ngắn và chi phí so với phần trăm thu nhập bình quân đầu người rất thấp, đặc biệt là Singapore với chỉ 2 thủ tục; 1,5 ngày và chi phí khoảng 0,4% thu nhập bình quân đầu người, đây cũng là quốc gia liên tục nằm trong top đầu của Doing Business. Việt Nam hiện đang có lợi thế hơn so với nước xếp hạng 4 là Myanmar về chi phí thành lập do những nỗ lực trong cắt giảm phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp thời gian qua, tuy nhiên, số thủ tục và thời gian thành lập doanh nghiệp vẫn còn khá đáng kể. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số cải cách thời gian vừa qua của Việt Nam vẫn chưa được Nhóm Báo cáo của Ngân hàng trên thế giới ghi nhận vì những cải cách chưa kịp thực hiện trong thời gian khảo sát hoặc chưa được triển khai có hiệu quả trong thực tế, đồng thời, do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Báo cáo Doing Business 2021 không được thực hiện.
Đối với những cải cách đã thực hiện nhưng chưa được ghi nhận qua quá trình khảo sát thực tế: Năm 2020, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định về lệ phí môn bài. Theo quy định tại Nghị định này thì doanh nghiệp thành lập mới sau khi Nghị định này có hiệu lực sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12). Vì vậy, thủ tục Khai, nộp lệ phí môn bài không còn thuộc một trong tám (1/8) thủ tục của Quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam. Cải cách này kỳ vọng sẽ giúp quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam cắt giảm được 1 thủ tục, 1 ngày thời gian và cắt giảm 2.000.000 chi phí. Đây là một cải cách rất lớn về cắt giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp và đã được triển khai trong thực tế. Việc ghi nhận cải cách này sẽ cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới riêng đối với Chỉ số Khởi sự kinh doanh thời gian tới.
Đối với những thay đổi chưa được ghi nhận do ban hành sau thời gian khảo sát:
(i) Tại Luật doanh nghiệp 2020, 02 thủ tục về Làm con dấu doanh nghiệp và Gửi thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã được bãi bỏ theo quy định mới.
(ii) Nghị định 122/2020/NĐ-CP được xây dựng và ban hành ngày 15/10/2020 đã tích hợp 03 quy trình gồm: (1) đăng ký bảo hiểm xã hội; (2) khai trình lao động và (3) đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, thay vì thực hiện 4 thủ tục tại 4 cơ quan khác nhau, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, kê khai 01 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 01 cơ quan và nhận 01 kết quả. Các cơ quan sẽ chia sẻ thông tin với nhau thông qua mạng điện tử giữa các hệ thống dữ liệu của mỗi cơ quan.
Những cải cách này sẽ được ghi nhận trong Báo cáo tiếp theo và sẽ giúp mỗi doanh nghiệp đăng ký thành lập tiết kiệm được 02 ngày thời gian, 450.000 phí làm con dấu. Không những thế, với việc liên thông điện tử các cơ quan nhà nước và áp dụng thực hiện đăng ký trực tuyến tại một đầu mối, thời gian đăng ký thành lập trong thực tế sẽ còn được cắt giảm nhiều hơn so với quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí thực hiện. Như vậy, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống còn 3 thủ tục với 6 ngày. Điều này sẽ giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.
Sau phần khái quát về quá trình cải cách thủ tục Khởi sự kinh doanh tại Việt Nam của Cục trưởng Bùi Anh Tuấn, các chuyên gia đã cùng thảo luận, đánh giá tính hiệu quả của các quy định về gia nhập thị trường và trao đổi các giải pháp để cải thiện hơn nữa về chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam.
Chuyên gia Kinh tế Đinh Tuấn Minh, đại diện cho Nhóm Nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu các Giải pháp Thị trường cho các vấn đề Kinh tế – Xã hội đã trình bày Báo cáo thúc đẩy cải cách thủ tục khởi sự kinh doanh ở Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp. Với cách tiếp cận từ thực tế của Việt Nam và tiếp thu từ các thông lệ tốt trên thế giới, Nhóm nghiên cứu đã chọn ra hai quốc gia trong khu vực ASEAN được đánh giá là tiến bộ hơn trên khía cạnh thủ tục Khởi sự kinh doanh (theo xếp hạng của Doing Business 2020) là Singapore và Thái Lan để so sánh với Việt Nam. Việc so sánh đối chiếu giúp tạo căn cứ để đánh giá các khía cạnh cụ thể của thủ tục Khởi sự kinh doanh của Việt Nam và từ đó phát hiện ra một số dư địa cần tiến hành cải cách, hướng đến những giải pháp giúp cải thiện chất lượng và sự hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục Khởi sự kinh doanh trong tương lai.
Các Luật sư, chuyên gia pháp lý có uy tín tại Tọa đàm cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi về các nội dung có thể cải thiện trong quy trình Khởi sự kinh doanh tại Việt Nam như: tất cả các doanh nghiệp đều phải đăng ký tập trung tại cơ quan đăng ký kinh doanh; vấn đề về ghi ngành, nghề kinh doanh; phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; xây dựng, cập nhật Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo hướng thân thiện, chọn lọc thông tin và đơn giản hơn cho người dân và doanh nghiệp; chuẩn hóa Điều lệ công ty để các doanh nghiệp có thể dễ dàng sử dụng theo một mẫu thống nhất; các vấn đề liên quan đến giảm thời gian, thủ tục đăng ký thuế…
Với những cải cách đã thực hiện trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh cũng những ý kiến góp ý chân thành, cởi mở, thiết thực của các chuyên gia tại Tọa đàm, quy trình Khởi sự kinh doanh ở nước ta được kỳ vọng sẽ cắt giảm hơn nữa về thời gian, thủ tục và chi phí. Như vậy, triển vọng về việc tăng hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng Doing Business khu vực và thế giới là rất lớn, thể hiện cho những nỗ lực cải thiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh trong nước và cũng là bước tiền đề cho những cải cách mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam trong tương lai.
  • Currently 4.79/5
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
4.85 sao của 3020 đánh giá
Cải thiện hệ thống Khởi sự kinh doanh của Việt Nam
Cải thiện hệ thống Khởi sự kinh doanh của Việt Nam
Đăng ký kinh doanh Tư vấn miễn phí 0932.068.886 19/2B Thạnh Lộc 08, KP 3A,Thạnh Lộc, Quận 12, HCM
Bài viết cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu
Ngày 20/8/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3802/UBND-KT về việc triển...
Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số
Điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số
Ngày 27/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử...
Tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại VN
Tình hình doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại VN
Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics, phần lớn các doanh nghiệp...
Thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lĩnh vực Cà phê
Thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh lĩnh vực Cà phê
Tổng diện tích trồng cà phê Việt Nam trong năm 2017 đạt khoảng 662,2 nghìn ha, trong đó diện tích trồng cà...
0932.068.886